Tháng Ba dứt thì cũng là lúc những cơn nắng hanh hao nhường chỗ để những cơn giông đầu mùa kéo về. Trong tiếng sấm dậy, những đứa trẻ chân trần quê tôi náo nức ào ra đồng chơi đánh trận giả dưới cơn mưa rào. Mùi hơi đất trộn hòa với cái ngai ngái của những vuông đậu phộng tới kỳ thu hoạch làm lòng người ấm dịu, để rồi khi cơn mưa tạnh hẳn bầu trời quang tạnh thì những mầm đậu cũng chuẩn bị bung mình… Ai nấy bảo nhau: đã đến lúc nhổ đậu phộng.
Mùa đậu phộng quê tôi bắt đầu trên những tấm lưng lom khom ngoài bãi. Khi các bà, các chị gánh gồng cái mủng lội qua chỗ cạn sông Thu Bồn. Thu hoạch đậu phộng cần huy động cả đến những đứa trẻ bởi với lòng hăng hái nhiệt tình, chúng nhổ còn nhanh hơn cả người lớn. Cả nhà tụ tập ngoài bãi giữa cái nắng bỏng da, từng bụi đậu tách ra khỏi mặt đất để lộ những hạt đậu màu trắng sữa có lẫn cát trông như những chú lợn con bé xíu đang nằm ngủ cuộn tròn.
Những con sâu róm hoảng sợ cuống cuồng bò nhanh vào đám lá khi bất ngờ mất tổ. Trên mặt đất lồi lõm rễ cây, chúng co ro như biết sợ chân người dẫm phải. Đậu phộng rất bắt sâu nhưng chúng chỉ ăn lá nên cũng ít khi phải phun thuốc. Gieo vào lòng đất, chúng tự hút phù sa để trưởng thành. Đậu phộng dễ chăm là vậy. Những hạt đậu căng tròn vùi mình sâu dưới lớp đất ẩm như thu cả vào mình cái tinh hoa của một vùng quê quanh năm mưa nắng...
Kỷ niệm tuổi thơ là những mùa đậu phộng.
Sau khi nhổ, đậu được dồn thành từng đống lớn, phải đào một cái hố cát để đập đậu phộng. Cầm từng bó đậu đập vào thanh gỗ, tiếng đậu phộng rơi xuống hố rào rào như một cơn mưa. Lũ trẻ con thì chỉ chờ khi người lớn đã xong việc mót đậu từ những đám lá khô bỏ đi hoặc lang thang tìm những hạt đậu già bị đứt cuống còn nằm dưới những chỗ đất dẻ cứng. Chúng mân mê từng hạt đậu nhỏ, dồn vào bao rồi đem về nhà luộc, ới nhau thưởng thức.
Tuy chẳng có là bao nhưng mùi vị của những hạt đậu phộng đầu mùa sao mà ngon mà thơm đến thế? Những buổi trưa nắng, hè nhau đi mót đậu mồ hôi đổ ướt cả sống lưng nhưng đứa nào cũng sung sướng như bắt được vàng. Có lẽ chỉ có những đứa trẻ quê nghèo mới có thể hưởng trọn vẹn cái hạnh phúc tuổi thơ khi được nhấm nháp những thứ có được do công sức mình bỏ ra, được sống hòa mình với thiên nhiên, được ấp ủ trong mình cái thèm thuồng mẻ đậu mới luộc, mới hiểu hết mình đã sinh ra từ đâu và quê hương đã sống như thế nào.
Mỗi chiều gánh đậu chạy đua cùng cơn giông, khuôn mặt ai cũng lấm lem vì đất cát nhưng khi hơi nóng từ nồi đậu luộc tỏa ra ngào ngạt, những mái đầu chụm lại, tiếng lách tách bóc đậu lại rộn rã cả một góc xóm nghèo. Lon ton xách phụ mẹ mẻ dầu mới ép về cất kỹ để dùng lần cái hương vị béo ngậy đó sao mà nức lòng những lúc xa quê. Thèm cái bánh xèo mới đổ từ mẻ dầu mới, thèm cái chén mắm dầu mỗi tối cúp điện mẹ trộn vào ăn cơm. Kỷ niệm của cả một đời người đôi khi chỉ giản đơn là vậy, nhưng nó sống mãi trong ai khi đã trưởng thành.
Cứ như thế, đất và người cùng nhau gắn bó, cùng nhau sinh sống và vun vén cho nhau. Từ bãi bồi ấy, quanh năm mùa nào thức nấy. Tôi ngạc nhiên biết bao khi từ bàn tay lao động, con người đã khiến đất nở ra bao hoa trái cho đời. Để rồi cứ mỗi độ tháng tư về, nhìn hình ảnh đứa em nhỏ nhai đậu tôi lại thổn thức biết bao về những mùa đậu phộng đã xa trong đời.
H.D - Báo CA